Ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu

Mon, 11/09/2017



Hiện nay, TKV đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trên thực tế, thợ mỏ không phải bây giờ mới gặp khó, mà đã vượt qua nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, những khó khăn của TKV ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng hiểu. Thợ mỏ đang chờ đợi và cần một lối đi rõ ràng hơn trong tương lai.

Làm than cũng như quân đội đánh giặc

Chẳng phải ngẫu nhiên, khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví “Ngành sản xuất than như quân đội đáng giặc!” Khó khăn gian khổ, hiểm nguy là những cặp từ luôn hiện hữu ở mọi thời điểm. Chưa bàn đến vấn đề thị trường, thực tế hiện nay, TKV đang đối mặt hàng loạt khó khăn: điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu; hệ số bóc đất và hệ số đào lò ngày càng tăng cao; than hầm lò hầu hết các mỏ hiện nay đã khai thác xuống đến và dưới mức âm 300 mét so với mực nước biển; than lộ thiên trước đây để khai thác 1 tấn chỉ cần khoan nổ, bốc xúc vận chuyển đi 7-8 mét khối đất đá thì nay đã tăng lên gấp đôi, khoảng 14-15 mét khối mới lấy được 1 tấn than, do vậy, giá thành khai thác cũng vì thế mà tăng lên. Trước thực tại đó, những năm qua, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới công nghệ để tìm mọi giải pháp hạ giá thành khai thác. Nhiều thiết bị hiện đại, cơ giới hóa đã được áp dụng tại hàng loạt các mỏ than hầm lò cũng như lộ thiên. Năng suất lao động đã tăng lên gấp 5 - 7 lần so với trước đây. Sản lượng khai thác cũng tăng 4-5 lần. Thời điểm cao nhất năm 2011, sản lượng khai thác toàn Ngành đã đạt gần 45 triệu tấn than nguyên khai.

Mặt khác, ngành Than luôn phải chịu sức ép về mặt xã hội rất lớn. Số lượng công nhân đông. Đặc thù của ngành khai thác mỏ là ngành lao động nặng nhọc, vất vả và tiềm ẩn những rủi ro, sự cố cao. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất sức lao động cũng như thu hút được lao động làm việc lâu dài với nghề, Tập đoàn đã phải chi phí cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, đời sống của thợ mỏ cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Thợ mỏ nói chung hiện nay có mức lương cao bình quân từ gần 10 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ lò có mức thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt có những thợ ngày công cao có thể đạt 20 - 30 triệu đồng/người/tháng. Các điều kiện về học nghề, ăn ở, đi lại đều được miễn phí hoàn toàn. Thợ mỏ được sống trong những căn hộ chung cư hiện đại, được ăn tự chọn và nhiều điều kiện phục vụ đời sống văn hóa tinh thần ở mức cao… Hầu hết các chi phí đó đều được hạch toán vào giá thành tấn than khai thác. Ở đây, nếu nhìn vào các nước bạn để so sánh có thể là khập khiễng. Nhưng thực tế, mặc dù với những điều kiện đó, Tập đoàn dường như vẫn đang phải đối mặt sự thiếu hụt nhân lực Thợ lò. Nếu theo quy hoạch của nền kinh tế, nhu cầu sản lượng khai thác hàng năm tăng lên đến 60-70 triệu tấn trong những năm tới thì đây quả là bài toán khó đối với TKV.

Những khó khăn trên của TKV đến từ thực tế khách quan và ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng hiểu. Nhiều người vẫn cho rằng, tài nguyên khoáng sản đã có sẵn, chỉ việc múc lên. Nhưng thực tế không phải vậy. Khai thác than là một dây chuyền phức tạp, từ thăm dò, thiết kế, đầu tư xây dựng mỏ cho đến khai thác, vận chuyển, chế biến đầy phức tạp. Thợ mỏ là một nghề vất vả, nặng nhọc và nhiều hiểm nguy. Những người quan tâm, chắc không dưới một lần được nghe hay nhìn thấy những vụ sự cố mà ở đó đã có những người thợ mỏ vào ca mà không được trở về nhà?!

Mắc kẹt giữa kế hoạch và thị trường

Đứng trước những khó khăn về điều kiện khai thác hay tính chất khắc nghiệt của nghề, thợ mỏ chưa khi nào than khó. Nhưng hiện nay, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao trong thế bất lợi bởi những diễn biến phức tạp của cơ chế thị trường đang thực sự đẩy TKV vào thế khó.

Bao năm qua, thợ mỏ đã âm thầm cung cấp hàng trăm triệu tấn than cho nền kinh tế. Than đã là đầu vào không thể thiếu trong nền công nghiệp còn non trẻ của đất nước. Than hiện diện trong đời sống của mỗi gia đình Việt… Cùng với Điện lực và Dầu khí, ngành Than là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từ đó, hàng năm, Chính phủ và các bộ ngành đều giao kế hoạch khai thác than trong ngắn hạn và dài hạn cho TKV. Theo quy hoạch cấp than cho ngành Điện được Chính phủ phê duyệt, trong 10 - 20 năm tới, sản lượng khai thác hàng năm của ngành Than sẽ phải lên đến 70 - 80 triệu tấn, tăng gấp đôi hiện nay. Căn cứ theo quy hoạch đó, ngành Than đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các mỏ than có công suất lớn như Khe Chàm III, Khe Chàm II-IV, Núi Béo, Mạo Khê, Vàng Danh… và liên thông các mỏ lộ thiên để chủ động đầu tư thiết bị lớn như băng tải đá, xe tải trọng tải lên đến hàng trăm tấn... Song song với việc đầu tư cho phát triển dài hạn, hàng năm, Tập đoàn còn ký các hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường than đã xuất hiện những cạnh tranh cả trong và ngoài nước do những tác động của cách làm, công nghệ, thuế phí hay giải pháp vận chuyển giữa các vùng miền… Sản lượng than tồn kho lớn khiến TKV khó cân đối tài chính. Đời sống thợ mỏ gặp nhiều khó khăn. Đứng trước thách thức đó, Tập đoàn đã nhanh nhạy điều tiết linh hoạt, vừa sản xuất đảm bảo than dự trữ cho nền kinh tế khoảng 6-7 triệu tấn, vừa nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo cạnh tranh đẩy mạnh tiêu thụ, giữ ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 11 vạn lao động. Nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, thắt lưng buộc bụng đã được đưa ra. Tập đoàn đã sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng giảm đầu mối, giảm đầu tư ngoài ngành để tập trung cho sản xuất chính, tinh giản lao động…

Những tưởng nỗ lực của TKV sẽ dần được tháo gỡ thì mới đây nhất, với lý do cạnh tranh của thị trường, Tập doàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra đề xuất giảm mua than của TKV 2 triệu tấn so với kế hoạch. Mặt khác, theo chỉ đạo của Chính phủ, để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP của cả nền kinh tế đạt mức 6,7%, Chính phủ giao tiếp cho TKV sản xuất tăng thêm sản lượng 2 triệu tấn than trong năm nay. Những tác động trên đã thực sự khiến TKV đứng giữa dòng của nền kinh tế kế hoạch với nền kinh tế thị trường. Những người thợ mỏ vốn đã chịu nhiều vất vả trong công việc hầm mỏ của mình, nay lại phải đặt thêm gánh nặng lên hai vai. Một là nghĩa vụ đầu tàu đẩy nền kinh tế vĩ mô về phía trước. Một là sự khốc liệt của kinh tế thị trường…

Nước ta là nước đang phát triển. Đảng ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự điều tiết của Chính phủ đối với mỗi ngành nghề là cần thiết. Sự vận hành nền kinh tế theo thị trường cũng là một hướng đi đúng. Nhưng cũng như sự vận hành của một cỗ máy, tăng tốc hay giảm tốc cũng cần phải có đà, tức là thời gian, lộ trình. Và hơn thế nữa, đó chính là công ăn, việc làm, là cuộc sống của hàng vạn lao động và gia đình thợ mỏ đang chờ đợi. Họ đang cần một lối đi rõ ràng hơn trong tương lai.

Tác giả bài viết: Hùng Hải

Nguồn: Tạp chí Than-KS Việt Nam





Bài viết khác






Tin tức - Sự kiện